Friday, May 6, 2011

BIỆT KÍCH 34A


BIỆT KÍCH 34A

        Ngày 26 tháng Mười Một năm 1963, Tổng Thống Johnson tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối cứng rắn của Tổng Thống Kennedy về các hoạt động bí mật, ký thuận chương trình NSAM273. Cho phép gia tăng những hoạt động bí mật chống lại miền bắc Việt Nam, trong đó có việc thả những toán biệt kích ra ngoài bắc trong Hành Quân 34A, và gia tăng mức độ cho những toán biệt kích xâm nhập vào nước Lào sâu 50 cây số.
        Với sự chấp thuận này, Tổng Thống Johnson có ba mục đích: thứ nhất, chính quyền Hà Nội phải chấm dứt các hoạt động trong miền nam. Thứ hai, thực hiện kế hoạch Tâm Lý Chiến, tuyên truyền người dân miền bắc. Thứ ba, gia tăng các hoạt động bán quân sự (tổ chức kháng chiến), gây khó khăn cho quân đội, chính quyền miền bắc. Và ông ta hy vọng chính quyền miền bắc sẽ cảm thấy tình hình không được sáng sủa cho họ và phải rút quân đội từ bên Lào và trong miền nam trở về miền bắc.
        Ngày 21 tháng Mười Hai, Tổng Thống Johnson họp với bộ trưởng Quốc Phòng McNamara, giám đốc cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA John McCone để bàn về Hành Quân (Chương Trình) 34A. Họ quyết định thực hiện những hoạt động bí mật, để đỡ bị tổn thất, và tránh dư luận Quốc Tế. Ủy ban Krulak được thành lập để xét lại Hành Quân 34A, thứ nhất, tìm hiểu xem Hà Nội sẽ trả đũa như thế nào cho các hoạt động bí mật này. Thứ hai, thăm dò dư luận Quốc Tế. Sau khi nghiên cứu, ủy ban Krulak khuyến cáo, Hành Quân 34A phải thu hẹp lại, và Tổng Thống Johnson ký thuận những lời khuyến cáo của ủy ban Krulak trong tháng Giêng năm 1964.
        Bộ tư lệnh Quân Viện MACV trong Saigon ban hành quyết định “General Order 6”, thành lập một đơn vị “tối mật” được biết đến qua danh hiệu MACV-SOG hay SOG (Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát) để thi hành những hoạt động bí mật theo lệnh của Tổng Thống Johnson.
        Theo tài liệu “The Secret War Against Hanoi”, tác giả Richard Schultz, Jr. tìm lại những hoạt động của đơn vị SOG nơi miền bắc Việt Nam, sau đó phát triển sang Lào và Cambodia. Mục đích chính của đơn vị SOG, gửi những toán biệt kích xâm nhập ra miền bắc, phá rối hậu phương, tâm lý chiến, đưa những toán biệt kích hải quân (biệt hải) đánh phá hải phận miền bắc, và phá hoại đường mòn HCM.
        Để yểm trợ cho những hoạt động bí mật này, đơn vị SOG có ba ngành, trong đó có Không Yểm, bao gồm tất cả các loại phi cơ chiến thuật, trực thăng và phi cơ vận tải, đóng trong các căn cứ không quân trong miền nam Việt Nam và Thái Lan.
        Tướng William Westmoreland, tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã báo cáo cho Bộ Quốc Phòng / bộ TTM Quân Lực Hoa Kỳ (Pentagon), những hoạt động của đơn vị SOG không đem lại nhiều kết qủa trong trận chiến với Hà Nội. Trong vòng sáu tháng kế tiếp, quân đội Hoa Kỳ không thèm để ý đến đơn vị SOG. Đô Đốc Harry Felt, vẫn tiếp tục cho những toán biệt hải, bắn phá bờ biển miền bắc, nhưng những toán biệt kích hoạt động nơi miền bắc Việt Nam, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ không màng tới.
        Chỉ còn lại bốn toán biệt kích cùng với một điệp viên đơn độc (singleton) cẫn còn hoạt động nơi miền bắc, được cơ quan CIA bàn giao cho đơn vị SOG vào đầu năm 1964. Năm đó, SOG đưa ra miền bắc khoảng 250 biệt kích quân, bằng phương tiện thả dù, đường biển và đường bộ.
        Cơ quan CIA cung cấp cho đơn vị SOG đủ loại “đồ nghề” trong chiến tranh ngoại lệ. Những toán biệt kích SOG mặc quân phục lính Bắc Việt, võ trang tiểu liên AK-47, đem theo mìn bẫy, dụng cụ nghe lén điện thoại, v.v... Các loại vũ khí trong khối cộng sản kể cả súng cối 82 ly, sản xuất từ Trung Cộng, cơ quan CIA mua lại từ một quốc gia đệ tam, cung cấp cho đơn vị SOG.
        Ngoài ra đơn vị SOG có một đài tiếp vận truyền tin, liên lạc, nằm trên đỉnh một ngọn núi cao trên đất Lào, quân đội Bắc Việt không thể lên tới được. Đài tiếp vận này rất quan trọng, cho những biệt kích quân bị thất lạc (trong lúc gia tranh với quân đội Bắc Việt), liên lạc với bộ chỉ huy hoặc các toán biệt kích khác.
        Trong khoảng thời gian từ tháng Tư 1964 đến tháng Muời năm 1967, có khoảng 40 toán biệt kích, và điệp viên đơn độc được đưa ra xâm nhập miền bắc. Bốn toán biệt kích có tên Bell, Remus, Tourbillon, và Easy. Toán biệt kích thứ năm, Europa và những điệp viên đơn độc của cơ quan CIA, khi bàn giao cho đơn vị SOG cũng “được” thả xuống miền bắc.
        Toán biệt kích Remus nhẩy dù xuống khu vực gần Điện Biên Phủ ngày 16 tháng Tư năm 1962. Nhiệm vụ của họ thiết lập một căn cứ bí mật, từ đó phát xuất đi những chuyến dò thám lấy tin tức. Ngoài ra toán biệt kích còn có thêm nhiệm vụ thâu thập những tin tức, tình hình chính trị miền bắc và những bản báo cáo của quân đội Bắc Việt, tìm những bãi thả dù để nhận đồ tiếp liệu cũng như những toán biệt kích khác. Toán biệt kích Remus thành công, phá xập vài chiếc cầu, nhưng trong năm 1968, mọi sự liên lạc với toán biệt kích Remus chấm dứt. Sau đó một tù binh Bắc Việt khai, có nghe nói toán biệt kích Mỹ Remus bị bắt trong tháng Sáu năm 1962.
        Toán biệt kích Eagles được thả dù xuống khu vực gần biên giới Việt-Trung ngày 27 tháng Sáu năm 1964, với nhiệm vụ phá hoại đường xá, đường rầy xe lửa, và một căn cứ không quân. Họ chưa hoàn thành nhiệm vụ, đã được lệnh di chuyển về hướng nam rồi sau đó mất liên lạc.
        Toán biệt kích Romero gồm mười người được trực thăng đưa vào xâm nhập khu vực nơi hướng bắc vùng phi quân sự. Toán biệt kích có nhiệm vụ theo dõi các cuộc chuyển quân của quân đội Bắc Việt từ miền bắc vào đất Lào (sau đó vào miền nam Việt Nam), và quấy rối, phá hoại con đường chiến luợc của quân đội Bắc Việt (đường mòn HCM). Trong những bản báo cáo của đơn vị SOG, toán biệt kích Romero không trả lời những tin tức đòi hỏi trong năm 67, 68.
        Toán biệt kích Hadley, xâm nhập miền bắc bằng cách băng qua vùng phi quân sự. Toán biệt kích có nhiệm vụ theo dõi mức độ chuyển quân của quân đội Bắc Việt trên các con đường chạy qua Lào, và chỉ điểm cho không quân oanh kích đoàn xe chở quân của địch. Toán biệt kích Hadley có báo cáo về cho đơn vị SOG, nhưng những tin tức của họ không có giá trị.
        Toán biệt kích Tourbillon nhẩy dù xuống khu vực gần biên giới Lào Việt. Toán biệt kích cuối cùng nhẩy dù xuống miền bắc là toán Red Dragon. Ngày 21 tháng Chín năm 1967, toán biệt kích Red Dragon bẩy người nhẩy dù xuống khu vực nơi phiá nam biên giới Việt-Trung. Cả hai toán biệt kích có nhiệm vụ dò thám lấy tin tức và phá hoại đường xá, cầu cống. Lần cuối cùng toán Red Dragon liên lạc năm 1969, người Hoa Kỳ nghi ngờ toán biệt kích đã bị bắt, gửi những báo cáo sai lạc về.
        Trong chiến tranh tâm lý, người Hoa Kỳ cho phi cơ thả radio, đã được điều chỉnh trước xuống miền bắc, để nghe hai đài phát thanh “đen”, đài “Gươm Thiêng Ái Quốc” và đài “Cờ Đỏ”. Hai đài phát thanh “bí mật” này phát ra những tin tức sai lạc, phóng đại, về những toán biệt kích hoạt động bí mật nơi miền bắc (dĩ nhiên thổi phồng). Những điện văn gửi qua lại, nhắn tin giữa những toán biệt kích đang “nằm vùng” nơi miền bắc, làm sao bắt tay, v.v...
        Nhiều toán biệt kích đang hoạt động nơi miền bắc được tăng cường thêm biệt kích quân bằng cách nhẩy dù xuống. Toán Toubillon nhận thêm “người” trong năm 1962, hai lần khác trong năm 1964, một lần trong các năm 1965, 1966 và 1967. Toán biệt kích Remus được tăng cường bốn lần, toán Easy được năm lần. Tất cả những biệt kích quân nhẩy dù xuống tăng cường đều bị giết hoặc bắt sống. Đơn vị SOG tin rằng các toán biệt kích đã bị bắt, rồi bị ép buộc gửi những tin tức, báo cáo sai lạc vào Saigon. Cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA đã “làm” chuyện này từ lâu, bắt sống lính Bắc Việt, bắt cóc thường dân sinh sống nơi miền bắc, và xử dụng những “cảm tình viên” làm gián điệp “hai mang”. Đến năm 1967, chỉ còn bốn toán biệt kích, Eagles, Hadley, Red Dragon, Romeo và một điệp viên đơn độc vẫn còn hoạt động nơi miền bắc.
        Đến cuối năm 1967, đơn vị SOG cho thêm hai toán biệt kích xâm nhập ngắn hạn, dò thám tìm mục tiêu vào trong các hoạt động bí mật của họ. Hành Quân 34 (Oplan 34) có thêm một “chương trình” (kế hoạch) mới, nhằm đánh lạc hướng cơ quan “phản gián” miền bắc. Chương trình này có mật danh “Forae”, đon vị SOG hy vọng sẽ gây chia rẽ trong nội bộ miền bắc.
        Đến năm 1968, Hành Quân 34 chia làm ba chương trình: 34A đặc trách các toán biệt kích hoạt động nơi miền bắc Việt Nam. 34B, bao gồm các toán biệt kích “Strata” xâm nhập, dò thám miền bắc trong thời gian ngắn. 34C, bao gồm các hoạt động nhằm đánh lạc hướng địch quân.
        Theo kế hoạch Hành Quân 34A, những toán biệt kích xâm nhập miền bắc, có nhiệm vụ xây dựng những nhóm kháng chiến, chống lại chế độ Hà Nội. Nhưng chưa bao giờ được Washington chấp thuận nên nhiệm vụ thay đổi, lấy tin tức tình báo, phá hoại và tâm lý chiến. Rồi toán biệt kích được lệnh không được tiếp xúc với dân chúng miền bắc... làm cho họ không thể nào hoàn tất nhiệm vụ. Tóm lại, chương trình 34A của đơn vị SOG không thành công.
        Chuyện đưa những toán biệt kích xâm nhập miền bắc, có thể nói hoàn toàn thất bại. Ngày 14 tháng Ba năm 1968, tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland, chấp thuận cho một chương trình mới nhằm đánh lạc hướng địch quân, có mật hiệu là Forae. Mục đích chính của chương trình Forae, làm cho chính quyền Hà Nội tin rằng, có nhiều toán biệt kích đang hoạt động nơi miền bắc Việt Nam... nhiều hơn họ được biết. Điều này làm lạc hướng quân đội Bắc Việt trong miền nam, và cho Hà Nội biết rằng, nền an ninh miền bắc không được yên ổn, không thể đưa thêm quân vào miền nam.
        Forae có ba chương trình căn bản, mang mật danh, Borden, Urgency và Oodles. Chương trình Borden tuyển mộ tù binh Bắc Việt làm việc cho đơn vị SOG. Họ đưa những tù binh này đi nơi khác, huấn luyện, rồi trả về miền bắc. Người Hoa Kỳ, cho họ biết những tin tức sai lạc, có rất nhiều toán biệt kích đang hoạt động hữu hiệu nơi miền bắc Việt Nam và con số lực lượng kháng chiến càng ngày càng gia tăng. Khi được đưa trở ra miền bắc, đơn vị SOG tin rằng, các tù binh này sẽ khai lại những điều mình biết cho sĩ quan an ninh Bắc Việt. Trong năm 1968, chương trình Borden tuyển mộ 98 “cựu tù binh” Bắc Việt và đưa ra miền bắc 44 người.
        Urgency có hai nhiệm vụ. Thứ nhất, “làm việc” với những tù binh (bị bắt), thường dân miền bắc (bị bắt cóc) cứng đầu, không chịu hợp tác. Những người này được đưa ra “Paradise Island” (Cù lao Chàm) để nhồi sọ, làm cho họ có cảm tưởng đang sống ở một nơi nào đó trên miền bắc Việt Nam, trong lòng một tổ chức kháng chiến, với đài phát thanh “đen”. Sau đó họ được huấn luyện nhẩy dù, và thả dù xuống gần một làng nơi miền bắc để họ có thể đi bộ đến làng, trình diện, đem theo những tin tức sai lạc.
        Nhiệm vụ thứ hai cũng nhằm đánh lạc hướng chính quyền miền bắc. Lần này họ xử dụng những người chịu hợp tác, cũng đưa ra “Paradise Island” tuyên truyền, trao cho những tin tức sai lạc rồi trả về miền bắc.
        Chương trình đánh lạc hướng địch quân qua phương tiện truyền thông, máy phát thanh (radio) là Oodles. Chương trình làm như có một hệ thống gián điệp, biệt kích nằm vùng trong một khu vực chọn lọc nơi miền bắc Việt Nam. Gửi đi những điện văn cho những toán biệt kích (không có thực) nằm vùng, bao gồm: thả dù tiếp tế, thả dù toán biệt kích mới, thả dù thêm biệt kích xuống tăng cường, chúc mừng ngày sinh nhật của toán viên nào đó... Thả những kiện hàng tiếp tế trống rỗng xuống gần chỗ đóng quân của một đơn vị lính Bắc Việt, làm cho địch có cảm tưởng, toán biệt kích... đã đem đi hết đồ tiếp tế.
        Ngoài ba chương trình chính yếu, Forae tạo ra thêm ba chương trình khác, Uranolite, Pollack, và Sanitaries. Uranilite thả xuống miền bắc những thùng đồ “quấy rối” gây khó khăn, mệt mỏi cho lực lượng an ninh miền bắc. Chẳng hạn như thùng đựng giấy nhưng bên ngoài có vẻ như thùng chứa máy móc điện tử để lấy tin tức, dụng cụ ám sát, chất nổ, v.v... và đã được toán biệt kích (ma) đến lấy đi. Chương trình Pollack gửi những tài liệu giả, để viên chức trong chính quyền miền bắc nghi kỵ lẫn nhau. Pollack chấm dứt hoạt động trong tháng Mười Một năm 1968. Sanitaries trợ lực cho đài phát thanh đen “Gươm Thiêng Ái Quốc”, làm như các hoạt động của các toán biệt kích nơi miền bắc rất thành công.
        Những chương trình “đánh lạc hướng” miền bắc, tỏ ra có hiệu qủa. Đài phát thanh, báo chí miền bắc lên tiếng lo ngại những chuyện điệp viên, biệt kích xâm nhập. Đến tháng Mười Một năm 1968, Washington ra lệnh cho đơn vị SOG chấm dứt tất cả các hoạt động này.
        Trong tháng Mười Hai năm 1964, đơn vị SOG được lệnh gia tăng những hoạt động đánh phá các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc. Trong năm 1965, đơn vị SOG (Biệt Hải) đã tổ chức 170 chuyến hành quân vượt tuyến phát xuất từ Đà Nẵng. Những tầu chiến Swift, Nasty chạy tốc độ rất nhanh, tấn công các mục tiêu nơi bờ biển, bắt cóc ngư dân miền bắc đem đến “Paradise Island” để tuyên truyền. Sau đó họ được trao qùa tặng, truyền đơn, radio để nghe đài “Gươm Thiêng Ái Quốc” và đưa trở về làng cũ nơi bờ biển miền bắc. Trong năm 1965, SOG bắt cóc 126 thường dân miền bắc, thả xuống miền bắc 1000 radio, và 28.742 hộp qùa và cả triệu tờ truyền đơn. Năm sau, 1966 họ bắt cóc 353 thường dân ngoài bắc.

Dallas, Texas May 4, 2010
vđh

No comments:

Post a Comment