Friday, May 6, 2011

HÀNH QUÂN VULCAN


HÀNH QUÂN VULCAN
Dr. Dale Andrade

        Khi ánh mặt trời nhô lên trong vịnh Bắc Việt, những chiếc tầu đánh cá của ngư dân miền bắc đã ra khơi, trong những tia sáng lóng lánh phản chiếu trên mặt nước biển. Họ thường thả lưới ngay trước cửa miệng sông Gianh, đổ ra biển, cách Đồng Hới khoảng 40 cây số về hướng bắc. Lúc đó đang trong thời gian chiến tranh, vẻ bình yên chỉ là điều giả tạo. Đi ngược lên giòng sông khoảng một cây số, nơi bờ phiá nam, có căn cứ Hải Quân Quảng Khê của miền Bắc.
        Ngày 16 tháng Năm 1962, khung cảnh cũng bình thường như mọi ngày. Không ai biết rằng, dưới mặt nước biển có chiếc tầu ngầm Hoa Kỳ đang lặng lẽ dò thám bờ biển miền bắc Việt Nam. Tên của chiếc tầu ngầm đó là USS Catfish, đang theo dõi các hoạt động trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê. Vài ngày trước, chiếc tầu ngầm đã di chuyển từ Philippine đến cửa sông Gianh trong một nhiệm vụ bí mật có mật danh là Wise Tiger.
        Khi đến vịnh Bắc Việt, chiếc tầu ngầm Catfish nằm ngoài hải phận quốc tế, thâu thập tin tức về Hải Quân Bắc Việt, đặc biệt để ý những chiếc tốc đỉnh (tầu loại nhỏ, chạy nhanh để tấn công) Swatow đóng ở bên Tầu (Hoa Lục). Những chiếc tầu này là lực lượng biên phòng nồng cốt của Hải Quân miền bắc. Dài khoảng 83 bộ, trang bị ba khẩu đại bác 37 ly, có thể bắn liên lục (automatic), đại liên nòng đôi 14,5 ly, và radar. Với thủy thủ đoàn 30 người, chiếc Swatow có thể chạy với vận tốc 28 knots. Sau khi đã nhận diện ba chiếc Swatow đang thả neo trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê, chiếc tầu ngầm Catfish gửi điện văn báo cáo về Philippine rồi được chuyển tiếp vào Saigon. Cơ quan tình báo CIA soạn thảo kế hoạch phá hoại ba chiếc tầu đó.
        Kể từ tháng Ba năm 1961, cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA đã đưa ra kế hoạch đánh phá các hải cảng nơi miền bắc Việt Nam, một phần trong những hoạt động bí mật và đệ trình lên Tổng Thống John F. Kennedy. Bản thảo của kế hoạch này được cho vào tủ sắt, cho đến mùa Xuân năm 1962, khi quân đội Bắc Việt gia tăng những hoạt động trong miền nam và nước láng giềng Lào. Điều này làm giới lãnh đạo Hoa Kỳ ở Washington phải xem lại những kế hoạch hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam.
        Bực tức vì Bắc Việt gia tăng các hoạt động quân sự trong miền nam, đặc biệt phát triển thêm đường mòn HCM, chính quyền Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Kennedy tìm cách phản ứng.
        Những hoạt động bí mật của hải quân không phải là điều mới lạ đối với cơ quan CIA. Từ năm 1951, cơ quan này đã xử dụng những chiếc thuyền ngụy trang tầu đánh cá và cảm tử quân Đài Loan tấn công bờ biển Hoa Lục. Trong trận chiến tranh Hàn Quốc, cơ quan CIA cũng tổ chức những vụ đánh phá tương tự đối với Bắc Hàn. Dựa vào những kinh nghiệm kể trên, viên chức CIA trong Saigon hình dung ra kế hoạch, xử dụng những chiếc tầu máy, ngụy trang ra miền bắc, chở theo biệt kích phá hoại ba chiếc Swatow của Hải Quân Bắc Việt.
        Trong tháng Tư năm 1962, cơ quan CIA thuê bốn “người nhái” Hải Quân Việt Nam đã được huấn luyện ở Taiwan. Toán người nhái này có tên là Vulcan. Qua tháng Năm, sau khi được tầu ngầm Catfish xác nhận về sự hiện diện của mấy chiếc tầu Swatow trong căn cứ Hài Quân Quảng Khê, cơ quan CIA quyết định ra tay.
        Toán Vulcan cùng với 10 thủy thủ đoàn trên chiếc tầu Nautilus 2, ngụy trang giống như các tầu đánh cá ngoài bắc, chạy ra miền bắc. Họ thả neo nơi cửa sông Gianh, toán biệt kích bí mật bơi xuồng vào quan sát bờ biển rồi quay trở lại chiếc Nautilus.
        Đại úy Hà Ngọc Oanh, danh hiệu Antoine, nhìn bốn người nhái Vulcan ngồi quanh bàn. Đã có hai năm làm việc trong các hoạt động bí mật, đây là toán người nhái đầu tiên ông ta chỉ huy. Sau khi nhận được lệnh phá hoại mấy chiếc tầu Swatow hôm 28 tháng Sáu, đại úy Oanh chủ tọa buổi thuyết trình cuối cùng cho chuyến công tác.
        Trong buổi thuyết trình có hai nhân viên CIA, đại úy Oanh thông ngôn những chỉ thị cho toán biệt kích người nhái, có thêm không ảnh chụp khu vực Quảng Khê từ mấy hôm trước. Đằng sau lưng ông ta có tấm bản đồ căn cứ Hải Quân Bắc Việt lớn, có những vệt bút chì chỉ dẫn lộ trình xâm nhập, và rút lui. Mấy người nhái toán Vulcan chăm chú lắng nghe, từ chiếc thuyền lớn Nautilus, họ sẽ xuống thuyền nhỏ đóng bằng gỗ, xâm nhập vào cửa sông Gianh. Trong căn cứ hải quân Quảng Khê, chỉ có ba chiếc tầu Swatow, nên ba người nhái sẽ mang chân vịt bơi vào. Người nhái thứ tư Nguyễn Chuyên ở lại làm thành phần trừ bị. Ba người kia sẽ bơi vào, gắn mìn dưới thân tầu, chỗ gần buồng máy xong, bơi trở ra xuồng gỗ rồi cả toán Vulcan rút lui.
        Đêm 29 tháng Sáu, toán người nhái Vulcan lên chiếc tầu ngụy trang Nautilus 2, cùng với thủy thủ đoàn hướng ra ngoài miền bắc. Chiếc tầu chạy suốt đêm, qua ngày hôm sau, chiếc Nautilus 2 hòa nhập vào những thuyền đánh cá khác nơi miền bắc. Đến buổi tối, họ đã tiến gần đến mục tiêu. Trước nửa đêm, ngày 30, họ tắt máy tầu, và hai người thủy thủ hạ chiếc xuồng gỗ có gắn động cơ xuống nước. Các người nhái toán Vulcan đem theo đồ lặn, vũ khí cùng với mấy qủa mìn leo xuống, lặng lẽ chạy vào bờ.
        Mười lăm phút sau, người nhái Lê Văn Kính đã nhìn rõ bờ biển, nơi cửa sông Gianh. Các người nhái có hai tiếng đồng hồ đem mìn, bơi vào, gắn mấy qủa mìn rồi bơi trở lại xuồng. Kính đi chân vịt vào, từ từ xuống nước bơi vào bờ. Bơi theo Lê Văn Kính còn có hai người nhái khác là Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Hữu Thao.
        Khoảng bốn mươi lăm phút sau, họ vào đến mục tiêu, chia nhau gài mìn ba chiếc tầu Swatow. Nguyễn Hữu Thao đang gài qủa mìn dưới lườn một chiếc Swatow, chợt nghe tiếng người đi trên bong tầu, hốt hoảng làm cho quả mìn nổ tung. Chuyến đột nhập đã bị phát giác, hai người nhái còn lại lo tìm đường tẩu thoát.
        Lê Văn Kính đã gài xong qủa mìn, anh bơi ra xa khoảng 20 thước, trồi lên để thở, đúng lúc tiếng nổ của quả mìn Nguyễn Hữu Thao làm Kính choáng váng, tê chân, trôi dật dờ trên mặt nước. Anh ta biết rằng, đơn vị an ninh Bắc Việt sẽ tràn đầy trong khu vực và đi lùng bắt toán người nhái xâm nhập.
        Nguyễn Chuyên ngồi chờ trên chiếc xuồng cùng với hai thủy thủ đoàn, họ nghe tiếng nổ vang dội cùng với ánh lửa loé lên trong màn đêm. Quân Bắc Việt trông thấy chiếc xuồng đang bập bềnh trên sóng, rồi có tiếng động cơ của chiếc tầu Swatow. Cả ba người hốt hoảng, không thể chờ được nữa, cho chiếc xuồng chạy trở lại chiếc Nautilus 2. Vừa chạy, Chuyên vừa bắn trả lại chiếc tầu đang đuổi theo. Khi ra đến chiếc Nautilus 2, Chuyên đã trúng đạn bị thương.
        Trong màn đêm, Kính bơi vào bờ, cởi bỏ bộ quần áo lặn, nằm trốn trong đám sau sậy. Anh ta định đợi cho êm, rồi tìm cách bơi về phiá nam. Cơ hội đó không bao giờ đến, trong vòng một tiếng đồng hồ, toán tuần tiễu tìm ra được chỗ Kính đang trú ẩn, bắt sống, đánh đập dã man, rồi lôi anh ta đi đến phòng an ninh để điều tra.
        Người nhái thứ ba, Nguyễn Văn Tâm may mắn hơn chút xíu. Anh ta gài xong qủa mìn nhanh chóng rồi bơi trở về chiếc xuồng đang đợi nơi cửa sông Gianh. Đang bơi, nghe tiếng nổ của qủa mìn... rồi tiếng tầu thuyền đuổi nhau, anh ta biết mình bị bỏ rơi. Nhìn quanh, anh Tâm trông thấy một chiếc thuyền nhỏ, tưởng của dân đánh cá, bơi lại, leo lên, rơi vào tay của lực lượng dân quân miền bắc.
        Căn cứ Hải Quân Quảng Khê phản ứng, cho mấy chiếc Swatow chạy ra biển. Chiếc mang số 161 trông thấy chiếc tầu ngụy trang đánh cá Nautilus 2 đang trên đường chạy về hướng nam, nên đuổi theo. Chiếc Nautilus 2 vừa chạy vừa bắn đại liên về phiá sau để thoát thân, nhưng chịu không nổi hỏa lực của chiếc Swatow. Đến gần 6:00 giờ sáng đạn đại bác trúng máy tầu chiếc Nautilus 2, làm chiếc tầu này không chạy được nữa, nằm chờ chết. Chiếc Swatow chạy vòng quanh bắn phá cho đến khi chiếc tầu Nautilus 2 vỡ ra thành nhiều mảnh gỗ. Người nhái Nguyễn Chuyên vừa thoát chết, trúng đạn chết cùng với một thủy thủ đoàn.
        Chiếc Swatow vớt lên 10 thủy thủ chiếc tầu bị bắn tan tành. Họ không biết, người thứ 11 Nguyễn Văn Ngọc, vẫn còn trốn dưới chiếc tầu đang chìm. Sau khi chiếc Swatow quay đi, anh Ngọc bám được mảnh ván trôi về phiá nam vĩ tuyến 17 và được phi cơ quan sát trông thấy, cứu thoát đem về Đà Nẵng.
        Ngày 21 tháng Bẩy, chính quyền Hà Nội đem hai người nhái sống sót cùng 10 thủy thủ chiếc tầu Nautilus 2 ra tòa. Hai người nhái lãnh án tù chung thân, tống giam vào ngục. Chính quyền miền bắc, trưng bầy những vũ khí vật dụng tịch thâu được trước báo chí quốc tế, và một người nhái đã bị họ ép buộc lên án kế hoạch đánh phá miền bắc trước các phóng viên, báo chí.
        Mặc dầu thất bại, cơ quan CIA vẫn tiếp tục, gửi ra Đà Nẵng một chuyên viên, Tucker Gougleman để chỉnh đốn lại chương trình “Biệt Hải”. Gougleman là một cựu TQLC, chiến đấu trong vùng Thái Bình Dương, sau đó được cơ quan CIA tuyển một. Trong trận chiến Hàn Quốc, ông ta chuyên tổ chức bắn phá các căn cứ quân sự của Bắc Hàn dọc theo bờ biển.
        Khi ra tới Đà Nẵng, Gougleman nhận thấy rằng, cơ quan CIA đã có khoảng nửa chục chiếc tầu ngụy trang theo kiểu thuyền đánh cá ngoài bắc (Nautilus, đóng ở Đà Nẵng), nhưng không có lính biệt kích hải quân (Biệt Hải) đủ tiêu chuẩn. Trong mùa Thu năm đó, cơ quan CIA tuyển mộ những người có khả năng bơi lội, và đến tháng Mười Hai năm 1962, họ đã có hơn bốn toán mười hai người (4x12).  
        Gougleman được một toán Người Nhái (SEAL) Hải Quân Hoa Kỳ gồm hai sĩ quan và mười binh sĩ đến huấn luyện cho các người nhái Việt Nam. Đến cuối mùa Hè năm 1963, bốn toán biệt kích người nhái Việt Nam đã thụ huấn xong, sẵn sàng lên đường công tác. Hầu hết các toán viên người nhái đều được tuyển mộ từ đời sống dân sự, các trưởng toán là hạ sĩ quan Lục Quân VNCH. Một toán có tên là Neptune là toán người nhái, tốt nghiệp khóa Scuba (lặn dưới nước), toán Cancer hầu hết là người thiểu số Nùng.
        Gougleman đã có đủ số biệt kích hải quân, nhưng vẫn còn một trở ngại khác. Mặc dầu Hải Quân miền bắc không có những chiến hạm lớn như trong miền nam, tuy nhiên mấy chiếc Swatow chạy nhanh hơn, võ trang mạnh hơn, dư sức ăn tươi nuốt sống mấy chiếc tầu gỗ ngụy trang theo kiểu tầu đánh cá ngoài bắc. Kinh nghiệm chuyến hành quân Vulcan cho biết, Gougleman cần những chiếc tầu chạy nhanh hơn để có thể đưa những toán biệt kích ra đánh phá bờ biển miền bắc rồi đưa họ về an toàn.
        Sự thất bại của chuyến hành quân Vulcan làm cho cơ quan CIA phải nghĩ lại. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ thúc đẩy cho việc tìm kiếm một loại tầu khác. Bộ Chỉ Huy Quân Viện (MACV) tại Việt Nam vừa mới thành lập, dưới quyền đại tướng Paul D. Harkin đề nghị xử dụng tầu phóng thủy lôi (PT boat) cho những chuyến “ra ngoài bắc”. Đề nghị của đại tướng Harkin đã được gửi về Washington cho những cố vấn an ninh cao cấp của Tổng Thống Kennedy duyệt xét.
        Ngày 27 tháng Chín, Washington gửi công điện chấp thuận đến cơ quan MACV trong Saigon. Hải Quân Hoa Kỳ gửi qua hai chiếc tầu phóng thủy lôi đóng từ năm 1950 qua Việt Nam PT-810 và PT-811 đê xử dụng tạm thời cho đến khi có loại tầu mới. Mỗi chiếc PT được trang bị súng phóng lựu đạn tự động 40mm, đại liên 50. Qua Việt Nam, hai chiếc tầu phóng thủy lôi được đổi tên PTF-1 và PTF-2.
        Cơ quan CIA đi vòng qua “thủ tục của Washington”, đặt mua hai chiếc tầu Nasty của Na Uy. Đến đầu năm 1963, họ có thêm hai chiếc tầu nhỏ, chạy nhanh để tấn công, đặt tên là PTF-3 và PTF-4. Đến tháng Mười, Gougleman nhận thêm hai chiếc Swift, đóng ở Louisiana. Lúc đó lại có thêm một vấn đề, thủy thủ đoàn ghe đánh cá ngụy trang (Nautilus) không đủ kinh nghiệm để lái những loại tầu chiến tối tân.
        Cơ quan CIA lại phải tìm kiếm, tuyển mộ thuyền trưởng (người lái tầu) ở các nước tây phương. Khi đặt mua hai chiếc tầu Nasty, cơ quan CIA đã có “sự quan hệ” ở Oslo, thủ đô của Na Uy, nên việc tìm người, tuyển mộ không khó. Họ thuê ba thường dân Na Uy qua Việt Nam làm việc với thời hạn sáu tháng. Khi đến Đà Nẵng, ba người Na Uy được đặt tên là “Viking”, và làm thuyền trưởng ba chiếc PTF. Họ còn trẻ, hăng say, rất hợp với người Việt Nam, đại úy Trương Duy Tài, một sĩ quan hải quân trong chương trình cho rằng “Họ đúng là người Viking... Họ lái tầu, và định hướng rất giỏi”.
        Ngày 15 tháng Mười Hai, một chiếc tầu PTF hướng ra miền bắc, đem theo toán người nhái Neptune (duy nhất, các toán kia là biệt hải). Họ đem theo mìn định làm lại chuyến tương tự như toán Vulcan trước đây. Nhưng chưa đến mục tiêu, người tuyền trưởng lạc hướng nên phải hủy bỏ chuyến công tác, quay về Đà Nẵng.
        Cơ quan CIA đợi đến ngày 14 tháng Giêng năm 1964, ra lệnh tấn công hai mục tiêu. Theo kế hoạch, hai chiếc PTF sẽ rời bến trước nửa đêm, chạy song song đến khi qua vĩ tuyến 17 sẽ tách ra. Một chiếc sẽ hướng về nhà máy lọc nước gần thị trấn Đồng Hới, chiếc kia sẽ tiếp tục chạy lên khoảng 18 cây số nữa, tránh sông Gianh và những chiếc Swatow, đến sông Ron. Ngược lên giòng sông khoảng một cây số có một chiếc phà vận chuyển lưu thông bắc nam.
        Toán biệt hải tấn công Đồng Hới có danh hiệu Zeus không gặp trở ngại. Khi đến gần bờ, toán biệt hải xuống xuồng cao su chạy vào bờ, đem theo ống phóng có sáu hỏa tiễn đặc biệt 3.5 (inches) do chuyên viên vũ khí cơ quan CIA chế tạo. Các biệt hải đặt hỏa tiễn bắn vào mục tiêu nhà máy lọc nước, điều chỉnh giờ phút khai hỏa rồi rút lui trở lại chiếc PTF đang đợi, tất cả lên tầu chạy về Đà Nẵng.
        Toán biệt hải thứ hai có danh hiệu Charon không được may mắn. Khi chiếc Swift còn cách mục tiêu 19 cây số, thuyền trưởng người Na Uy trông thấy có chiếc tầu chạy từ hướng bắc xuống, nên đổi hướng tránh. Sau khi tránh được chiếc tầu lạ, “The Viking” đưa toán biệt hải Charon đến mục tiêu trễ một tiếng đồng hồ.
        Quyết định thi hành nhiệm vụ, người trưởng toán biệt hải ra lệnh cho toán viên xuống xuồng cao su bơi vào bờ. Khi đến gần cửa sông Ron, họ mang chân nhái vào rồi chia ra hai cặp. Một cặp bơi dọc theo bờ phiá bắc, cặp kia bơi theo bờ phiá nam. Chuyện không may xẩy ra, một chiếc tầu đi từ sông ra, một cặp người nhái sợ bị phát giác nên vội vã bơi trở về xuồng cao su.
        Cặp người nhái thứ hai không thấy đâu. Đợi một lúc sau cũng không thấy, hai người nhái bơi xuồng trở về chiếc Swift. Trời gần sáng, nguời thuyền trưởng Na Uy đành phải lái chiếc tầu quay về. Nhưng khi vừa nổ máy tầu, họ trông thấy có ánh đèn từ bờ biển chiếu ra, ông ta lái chiếc Swift chạy vào gần bờ đón được hai người nhái, rồi chạy thẳng về hướng nam.
        Về đến Đà Nẵng, cơ quan CIA mừng rỡ vì tất cả đều về đến căn cứ an toàn, mặc dầu không được chứng kiến kết qủa. Đó cũng là một trong những chuyến hành quân do cơ quan CIA đảm trách. Trong tháng Giêng năm 1964, tất cả hoạt động của cơ quan CIA bàn giao cho quân đội. Những kế hoạch, chương trình đánh phá miền Bắc Việt Nam được gọi là Hành Quân 34A nằm trong đơn vị SOG (Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát).
Dallas, TX.
vđh

No comments:

Post a Comment