Friday, May 6, 2011

HÀNH QUÂN 35 “VƯỢT BIÊN”

HÀNH QUÂN 35 “VƯỢT BIÊN”
NGĂN CHẶN ĐƯỜNG MÒN HCM (1966-1972)
VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC
        Trong khoảng giữa thập niên 1960, Hoa Kỳ có những hoạt động trong vùng Động Nam Á. Tổng Thống Lyndon Johnson cùng với các cô vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia phải đối phó với những biến chuyển mới. Kể từ năm 1959, Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam (DRV) đã xử dụng đường Trường Sơn, hoặc đường mòn HCM để đưa người, chiến cụ vào miền nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa, RVN).
        Đối với giới lãnh đạo Hà Nội, con đường (HCM) là con đường huyết mạch, cho những hoạt động quân sự trong miền nam Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống đường gồm nhiều con đường nhỏ, không chỉ dùng để chuyển quân, đồ trang bị, tiếp vận mà còn là nơi có những binh trạm, căn cứ, nơi dưỡng quân của quân đội Bắc Việt, sau những trận đánh trong miền nam Việt Nam.
        Đúng như thế, hệ thống đường mòn HCM rất quan trọng để Hà Nội gia tăng cường độ chiến tranh dưới vĩ tuyến 17, sau khi Việt Nam đã chia đôi năm 1954. Đến năm 1965, con đường trở nên quan trọng, sau khi Hải Quân VNCH đã khoá chặt đường tiếp vận trên biển từ Hải Phòng vào miền Nam. Hoa Kỳ đã quyết định gia tăng sự can thiệp trong việc bảo vệ miền nam Việt Nam và phải ngăn chặn việc chuyển quân, đồ trang bị tiếp vận của miền bắc vào nam.
        Trong ba tháng đầu năm 1965, có khoảng 5000 quân chính quy Bắc Việt di chuyển trên đường mòn HCM, mức độ chuyển quân đã tăng lên 50% so với năm 1964. Theo lời William Colby, cựu giám đốc cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA, lúc đó đang giữ chức vụ, trưởng phòng CIA tại Saigon... Điều quan trọng trong vấn đề chiến lược của chúng ta... Không thể để chính quyền miền bắc xử dụng nước Lào theo ý họ.
        Theo hiệp định Genève năm 1962, trung lập hóa nước Lào, Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam, cũng như quân đội các quốc gia Đồng Minh không có quyền đưa quân bộ (Lục Quân) sang nước Lào. Mặc dầu Hà Nội cho chuyện này như “pha”, nhưng Hoa Kỳ vẫn tuân theo luật Quốc Tế, không xử dụng quân bộ trên nước Lào. Kết quả, trong vòng sáu năm, Hoa Kỳ chỉ xử dụng Không Quân, máy móc điện tử, và những đơn vị biệt kích đánh phá hệ thống đường mòn HCM.

NHỮNG ĐẶC TÍNH ĐƯỜNG HCM
        Đường mòn HCM là một hệ thống đường, bao gồm nhiều con đường nhỏ, những đường phụ, phát xuất từ một con đường lớn. Những con đường nhỏ đã được Việt Minh xử dụng trong trận chiến du kích, trong khoảng thời gian 1946-1954, chống lại chế độ thuộc điạ của người Pháp. Có thể bắt đầu sớm từ năm 1958, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã có ý định xâm chiếm miền nam bằng võ lực và bắt đầu xây dựng con đường tiếp vận bằng cách huấn luyện nhân lực để xây dựng binh trạm, hệ thống hướng dẫn trên đất Lào.
        Trong những năm 1959-1964, Hà Nội đã thiết kế sơ đồ tổ chức hệ thống đường mòn HCM, với những căn cứ, binh trạm chính yếu, bao gồm cả bãi đậu xe vận tải, trạm sửa chữa xe cộ, kho thực phẩm, phân phối, v.v... Hệ thống đường rất phức tạp, có chỗ xe vận tải chạy được, những con đường khác chỉ có thể đi bộ. Bắt đầu từ những ngọn đèo nơi biên giới Lào-Việt, chạy dài xuống tới những căn cứ điạ của quân đội Bắc Việt nằm về hướng đông nam nước Lào. Theo lời một sĩ quan trong quân đội Lào, đường mòn HCM đi ngang qua những khu vực trong vùng Đông nam Á mà điạ thế rất khó khăn.
        Hệ thống đường, được rừng núi rậm rạp che phủ, rất khó nhìn thấy từ trên máy bay quan sát. Nhiều kỹ thuật ngụy trang khéo léo được đoàn Vận Tải 559 áp dụng, đơn vị có nhiệm vụ xây dựng, bảo trì và bảo vệ con đường. Đến cuối cuộc chiến, theo tài liệu miền bắc, đoàn 559 đã ngụy trang cho gần 2000 dặm, trong tổng số 12000 dặm, của hệ thống đường. Quân đội Bắc Việt làm những chiếc cầu, ngầm dưới mặt nước (sông, hồ), phi cơ quan sát, thám thính không thể khám phá ra được.
        Vì tầm mức quan trọng của con đường, điều dễ hiểu, Hà Nội đã đổ biết bao nhiêu nhân lực, vật lực vào đường mòn HCM. Lúc nào cũng có khoảng 100000 người trên đường, lái xe vận tải, chuyên viên cơ khí, kỹ sư, phu khuân vác và những đơn vị quân đội bảo vệ con đường. Những đơn vị phòng không được đưa vào đường mòn HCM từ năm 1965 và đến năm 1970, cả con đường được hệ thống phòng không bảo vệ, có nhiều dàn phòng không xử dụng radar. Quân đội Bắc Việt huấn luyện những đơn vị chống biệt kích xâm nhập, dân thiểu số bên Lào theo dõi, báo động, tìm dấu vết những toán biệt kích xâm nhập với nhiệm vụ dò thám, phá hoại đường mòn HCM.

NHỮNG HÀNH QUÂN ĐẦU TIÊN PHÁ ĐƯỜNG HCM (LEAPING LENA)
        Hoa Kỳ mở những cuộc hành quân phá hoại hệ thống đường mòn HCM bắt đầu từ năm 1961. Cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA, để tìm hiểu Hà Nội xử dụng con đường, đã huấn luyện dân thiểu số bên Lào kỹ thuật dò thám đường. Họ được chỉ dẫn xử dụng máy chụp ảnh và đem về nhiều tin tức quân đội Bắc Việt đưa người và đồ trang bị, tiếp vận. Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara vẫn tin rằng, đưa những toán biệt kích xâm nhập, sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn. Đến năm 1964, Bắc Việt đã mở rộng thêm con đường, dài hơn và ra nhiều nhánh phụ, và những viên chức cao cấp trong chính quyền Tổng Thống Johnson chấp thuận cho tổ chức những cuộc hành quân bí mật, mạnh bạo hơn qua đất Lào.
        Trong tháng Năm 1964, Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MACV), bắt đầu huấn luyện năm toán biệt kích tám người, binh sĩ người Thượng do sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam chỉ huy. Được biết đến qua danh hiệu “Leaping Lena”, chương trình này bắt đầu với việc thành lập đơn vị để có thể mở những chuyến hành quân dò thám, xâm nhập vào nước Lào. Người Hoa Kỳ chỉ có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện, trang bị cho đơn vị VNCH này, không dính dáng trực tiếp đến vấn đề hành quân, hoạt động của họ.
        Trong khoảng thời gian cuối tháng Sáu, đầu tháng Bẩy, năm toán biệt kích trong hành quân Leaping Lena nhẩy dù xuống bên Lào. Kết qủa, gần hết biệt kích quân trong các toán đều bị địch tìm ra vị trí, tấn công, giết chết hoặc bắt sống. Vài người sống sót, thoát chết, chạy trở lại biên giới và được cứu, nhưng không đem về những tin tức quan trọng. Mặc dầu hành quân Leaping Lena thất bại, nhưng đã khởi đầu cho “Chiến Tranh Ngoại Lệ” trong vùng Đông Nam Á.
        Thứ nhất, Leaping Lena được dùng như hạt nhân (trọng tâm) cho một chương trình tiếp nối rất hiệu qủa và thành công, đó là Hành Quân Delta. Bao gồm những toán biệt kích hỗn hợp do quân nhân LLĐB Việt-Mỹ đảm trách, mở những cuộc hành quân thám sát trong khắp miền nam Việt Nam. Những toán biệt kích Delta tìm kiếm, xác định vị trí đơn vị địch, lấy tin tức, gọi phi cơ oanh kích và thẩm định kết quả trận dội bom.
        Một điểm đặc biệt mới trong Hành Quân Delta, xử dụng phi cơ “điều không” FAC, làm việc lần đầu tiên với LLĐB trong tháng Mười Hai năm 1965. Phi cơ quan sát FAC có nhiệm vụ, điều khiển trận oanh kích, phu giúp trong việc thả hoặc “bốc” toán biệt kích xâm nhập và tiếp vận truyền tin liên lạc giữa toán biệt kích trong vùng địch kiểm soát và bộ chỉ huy. Chiến thuật phối hợp giữa Không Quân và LLĐB đem lại kết qủa rất tốt trong các cuộc hành quân.
        Thứ hai, sự thất bại trong Hành Quân Leaping Lena, làm cho sĩ quan cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ tin rằng, phải có quân nhân LLĐB/HK trong các toán biệt kích hành quân “Vượt Biên” (Lào, Miên), mới thành công. Từ đó mới có những toán biệt kích (SOG) do quân nhân LLĐB/HK chỉ huy xâm nhập qua Lào để ngăn chặn, phá hoại hệ thống đường mòn HCM.
        Trong những năm giữa thập niên 1960, Hoa Kỳ đã xử dụng Không Quân bắn phá đường mòn HCM với chiến dịch Barrel Roll nơi phiá bắc nước Lào và Steel Tiger nơi phiá nam, nhằm mục đích giới hạn sự chuyển quân của quân đội Bắc Việt, đưa người và chiến cụ  vào miền nam Việt Nam. Theo tướng William W. Momyer, tư lệnh Không Lực 7 Hoa Kỳ, các chiến dịch này nhằm giảm bớt mức độ lưu thông trên đường mòn HCM, và các đơn vị trong miền nam sẽ không có đủ nhu cầu tiếp liệu, tiếp vận.
        Không lực Hoa Kỳ đánh phá những đoàn xe chở quân, đồ trang bị, tiếp vận của địch di chuyển trên đường mòn HCM cũng như những bộ phận chính trên đường như những chiếc cầu. Những đoạn đường bị phá hủy sẽ gây nên cảnh ứ đọng xe cộ, vật liệu chiến tranh, sẽ làm mục tiêu dễ thanh toán cho Không Quân. Trên thực tế, rừng núi rậm rạp, thời tiết xấu và kỹ thuật ngụy trang của quân đội Bắc Việt, gây nhiều khó khăn cho các phi công Hoa Kỳ oanh kích mục tiêu. Kỹ thuật tân tiến cũng là một vấn đề, các phi công lái phản lực F-105 Thunder Chief chỉ có vài giây để nhận định mục tiêu rồi bấm nút thả bom.
IGLOO WHITE VÀ “BÃI CHIẾN TRƯỜNG ĐIỆN TỬ”
        Trước những khó khăn trong việc đánh phá đường mòn HCM, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nghĩ đến chuyện áp dụng kỹ thuật tân tiến. Chương trình Igloo White thiết lập một hệ thống máy dò điện tử, dọc theo chiều ngang khu vực phi quân sự và trên đất Lào. Trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1971, Hoa Kỳ tốn khoảng 1,7 tỷ đô la để xây dựng hệ thống với 20,000 máy dò chạy bằng pin dọc theo đường mòn HCM bên Lào. Hai loại máy dò điện tử được xử dụng.
        . Acoubuoy dùng tín hiệu sonar, được phi cơ thả xuống khu vực rừng núi rậm rạp. Máy này có thể phát ra làn sóng trong vòng 30 dặm và khám phá xe cộ di chuyển trong vòng 1000 thước, người trong vòng 438 thước. Máy được ngụy trang có hình dáng lá cây.
        . AIDSID rất tốt, chính xác, có thêm hệ thống tự phát nổ khi bị địch quân phát hiện, di chuyển. Mặc dầu tầm phát sóng ngắn hơn máy Acoubuoy nhiều, 109 thước cho xe cộ và 33 thước cho người, nhưng bình điện của máy bền lâu. Máy chỉ nặng khoảng 11 kí lô, có thể được phi cơ thả xuống hoặc lính biệt kích đem vào đặt. Bộ phận chính của máy chôn dưới đất, chỉ có cần antena trông như dây leo nhô lên khỏi mặt đất.
        . MINISID loại này nhỏ gọn, chỉ gài trên đường mòn, được chế tạo đặc biệt để lính biệt kích đem vào.
        Phi chơ chống tầu ngầm của Hải Quân Hoa Kỳ bay dọc theo đường mòn HCM thả những máy mọc điện tử xuống. Khi khám phá ra xe cộ, lính Bắc Việt di chuyển trên đường, máy sẽ ghi nhận, rồi phát ra những tín hiệu lên phi cơ EC-121, sau này quân đội Hoa Kỳ xử dụng phi cơ không người lái QU-22B “Pave Eagle” bay vòng trên cao để nhận tín hiệu. Những phi cơ này sẽ chuyển tiếp tín hiệu đến Trung Tâm Dò Thám Điện Tử (ISC) trong căn cứ Không Quân (Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ) Nakhon Phanom bên Thái Lan. Bên trong trung tâm là một máy computer IBM 360-65 (mạnh nhất vào thời gian đó), sẽ xử lý các dữ kiện thâu thập được.    

ĐOÀN NGHIÊN CỨU QUAN SÁT (MACV-SOG)
        Trong tháng Giêng năm 1964, Tổng Thống Lyndon B. Johnson chấp thuận cho những hoạt động bí mật nhằm tạo áp lực cho chính quyền Hà Nội và giảm bớt khả năng đưa quân vào miền nam Việt Nam. Được biết tên gọi là Hành Quân 34A (Oplan 34A), chương trình này bao gồm những cuộc hành quân “ngoại lệ”, chẳng hạn như tổ chức sắc dân thiểu số nơi miền bắc kháng chiến, chống lại chính quyền Hà Nội. Hoạt động tâm lý chiến để gây chia rẽ giữa chính quyền với dân chúng miền bắc. Và những cuộc hành quân đột kích bất ngờvào những mục tiêu chọn lọc, nhằm hủy diệt tiềm năng kinh tế miền bắc.
        Để xây dựng một đạo quân bí mật cho Hành Quân 34A, Tổng Thống Johnson ký thuận cho việc thành lập một đơn vị “Tối Mật” trong cơ quan MACV, lấy tên là “Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát” (SOG, mật danh). Đơn vị đặc biệt này có năm bộ phận.
1.      Hành quân bí mật của Hải Quân (Oplan 37)
2.      Không yểm (Oplan 32 và Oplan 35)
3.      Hoạt động Tâm Lý Chiến (Oplan 39)
4.      Hành Quân 34 (Thả dù các toán biệt kích xâm nhập miền bắc)
5.      Hành Quân 35 (Đưa các toán biệt kích xâm nhập Lào và Miên)
        Hành Quân 35 được tổ chức nhằm mục đích “giải quyết” các vấn đề liên quan tới đường mòn HCM. Các sĩ quan cao cấp trong quân lực Hoa Kỳ kết luận rằng, phải có người (biệt kích) dưới đất, dò thám, xác định mục tiêu, cho phi cơ oanh kích đường mòn HCM mới hiệu qủa. Một phương thức để thực hiện điều này, dựa vào tin tức do sắc dân thiểu số, cơ quan CIA huấn luyện cung cấp. Tuy nhiên họ làm việc không hiệu qủa và tin tức đem về có nhiều nghi vấn. Thêm vào sự thất bại trong hành quân Leaping Lena, giới chức cao cấp Hoa Kỳ tin rằng, những toán biệt kích “vượt biên” phải do quân nhân (LLĐB) Hoa Kỳ chỉ huy mới đạt kết qủa tốt.
        Hành Quân 35 trên đất Lào còn gặp một trở ngại “ngoại giao” đó là nước Lào trung lập. Tất cả các hoạt động trên đất Lào phải được giữ bí mật và “chối cãi” được.
        Mặc dầu được tổ chức từ năm 1964, nhưng cho đến năm 1966, Hành Quân 35 mới mở cuộc hành quân đầu tiên. Hai “vấn đề” gây ra sự chậm trễ. Thứ nhất, Tổng Thống Johnson vẫn chưa dứt khoát mở rộng chiến trang sang đất Lào., vì miền bắc tiếp tục đưa thêm quân và chiến cụ vào miền nam nên buộc lòng ông ta phải chấp thuận. Thứ hai, sĩ quan cao cấp vẫn còn e ngại kết qủa hành quân Leaping Lena. Đến năm 1966, đường mòn HCM trở thành “vấn đề” lớn trong cuộc chiến Việt Nam, Hành Quân 35 phát triển nhanh chóng, trở nên bộ phận lớn nhất trong đơn vị “Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát” (MACV-SOG).
        Trong vòng sáu năm kế tiếp, những toán biệt kích SOG trong Hành Quân 35 sẽ xâm nhập hàng trăm chuyến qua đất Lào, dò thám, phá hoại đường mòn HCM. Nhiệm vụ chính cho các toán biệt kích là tìm kiếm, xác định mục tiêu, và gọi phi cơ lên oanh kích. Những mục tiêu bao gồm: căn cứ, binh trạm quân đội Bắc Việt, bãi đậu xe vận tải Molotova, nơi tập trung quân, và đường xá. Sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ trong Saigon và ở Hoa Kỳ tin tưởng những toán biệt kích SOG (Oplan 35) có thể “làm” được nhiều việc trên đất Lào. Những công việc như đột kích, tấn công các kho chứa đồ tiếp liệu của địch, bắt sống tù binh để lấy tin tức về đơn vị địch, gài mìn bẫy và thẩm định kết qủa trận ném bom. Và dặt máy dò điện tử gần đường mòn HCM.
       
VƯỢT BIÊN QUA LÀO
        Những cuộc hành quân “vượt biên” do đơn vị SOG tổ chức thường do những toán biệt kích dưới sự chỉ huy của một hạ sĩ quan Hoa Kỳ (tuyển mộ từ LLĐB/HK) và chín biệt kích người thiểu số (Thượng, Nùng...). Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã quá quen thuộc với các loại hành quân “ngoại lệ” trong lòng địch nên là nguồn cung cấp nhân lực chính yếu cho đơn vị SOG. Những biệt kích quân thiểu số thường được tuyển chọn từ sắc dân Nùng, họ được người Hoa Kỳ tin tưởng, có khả năng chiến đấu.
        Để có thể “chối cãi” được, trên phương diện ngoại giao, trong trường hợp biệt kích quân bị bắt sống, các toán biệt kích SOG trong Hành Quân 35 ăn mặc quần áo sản xuất tại Á châu, không phù hiệu, cấp bậc, và trang bị vũ khí không phải sản xuất tại Hoa Kỳ (AK-47, tiểu liên K-9 Thụy Sĩ). Hành Quân 35 xâm nhập vào nước Lào, lúc đầu có danh hiệu Shining Brass, được đưa đi từ những căn cứ hành quân tiền phương (FOB) trên phần đất Việt Nam gần biên giới Lào-Việt.
        Để giảm thiểu sự khám phá các toán biệt kích xâm nhập của quân đội Bắc Việt, các phi cơ trực thăng không sơn phù hiệu, số hiệu đưa các toán biệt kích xâm nhập vào lúc trời sắp tối. Thường các trực thăng đưa biệt kích xâm nhập bay thành hợp đoàn có những trực thăng võ trang bay theo hộ tống, bảo vệ. Thiếu tướng John K. Singlaub, cựu chỉ huy trưởng đơn vị SOG kể lại.
        “Các biệt kích quân di chuyển ra khỏi bãi đáp trực thăng nhanh chóng, và tổ chức phục kích, những toán quân địch biết được (nghe hoặc trông thấy) trực thăng đáp xuống thả toán biệt kích. Trong màn đêm, biệt kích có thể nghe tiếng địch quân di chuyển dễ dàng, vì trời tối rất khó giữ im lặng khi di chuyển. Mỗi chuyến xâm nhập có kể kéo dài một ngày, hai ngày hay có khi vài tuần, tùy theo nhiệm vụ của toán biệt kích và khả năng lẩn tránh những toán tuần tiễu của địch. Đến khi triệt xuất, thâu hồi toán biệt kích, trực thăng có thể thả dây McGuire, Stabo xuống câu các biệt kích quân ra khỏi khu vực nguy hiểm.”
        Toán biệt kích SOG, sau khi xâm nhập, sẽ di chuyển trong những khu vực rừng rúi rậm rạp, bao quanh đường mòn HCM. Họ sẽ lục soát, thám sát khu vực với hy vọng sẽ tìm được những mục tiêu “sáng giá” như: bãi đậu xe vận tải, kho vũ khí, đạn dược, tiếp liệu. Toán biệt kích chọn những “điểm” đặc biệt để theo dõi hoạt động, mức độ lưu thông của địch trên con đường. Những điểm được chọn này không gần con đường quá (nguy hiểm) và cũng không cách xa (không thấy rõ) mục tiêu dò thám, theo dõi, và cũng không nên ở... lâu quá.
        Xử dụng máy truyền tin PRC-77 và KY-38, toán biệt kích có thể liên lạc với phi cơ thám thính FAC bằng tiếng Anh để báo cáo. Phi cơ FAC thường bay chậm trên đầu toán biệt kích để quan sát và điều động các phi tuần phản lực F-4 lên oanh kích. Theo báo cáo của Không Quân Hoa Kỳ, mỗi lần yêu cầu không lực Hoa Kỳ lên oanh kích mất khoảng 30, 40 phút.
        Để gia tăng hiệu năng phối hợp làm việc giữa toán biệt kích SOG và phi cơ quan sát FAC, Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ đồng ý để cho một cựu trưởng toán biệt kích SOG (đã có kinh nghiệm) đi bay, ngồi ghế sau trên chiếc FAC OH-1 (Covey’s Rider). Nhiêm vụ của quân nhân này sẽ phụ giúp toán biệt kích hoạt động dưới đất, tìm kiếm mục tiêu, chọn bãi đáp trực thăng, tham khảo kế hoạch thả và “bốc” toán biệt kích, và giữ liên lạc.
        Vì mức độ quan trọng của đường mòn HCM, quân đội Bắc Việt quyết tâm bảo vệ con đường huyết mạch đưa quân và vũ khí vào miền nam. Hành Quân 35 “Vượt Biên” là một trong những cuộc hành quân “ưu tiên” nhất, lo sợ nhất, và cũng nguy hiểm nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.
        Đường mòn HCM chạy xuyên qua những khu vực rừng núi rất hiểm trở, rất khó cho toán biệt kích di chuyển. Và toán biệt kích phải luôn luôn đề cao cảnh giác, giữ bí mật, im lặng, tránh những đơn vị an ninh, bảo vệ của địch. Các đơn vị “săn” biệt kích này được huấn luyện đặc biệt, di chuyển dọc theo đường mòn HCM để đối đầu với các toán biệt kích SOG trong hành quân Shining Brass. Việc xâm nhập, dò thám rất nguy hiểm, theo một bản thống kê, ít có toán biệt kích nào xâm nhập vào sâu hơn 2 cây số kể từ điểm xâm nhập (bãi đáp trực thăng).
        Số lượng xâm nhập trong hành quân Shining Brass (đến tháng Ba năm 1967, đổi tên là Prairie Fire, vì lý do an ninh, bảo mật) tăng đều từ năm 1966 cho đến năm 1970. Năm 1966, trung bình có 11 chuyến hành quân xâm nhập mỗi tháng. Đến năm 1968, con số tăng lên 25 và năm 1969 là năm hoạt động mạnh mẽ nhất của đơn vị SOG trong Hành Quân 35 là 37 chuyến hành quân xâm nhập vào đất Lào.
        Đồng thời, quân đội Bắc Việt cũng bỏ thêm tài nguyên, nhân lực, vật lực vào việc bảo vệ hệ thống đường mòn HCM. Quân đội Bắc Việt huấn luyện người thiểu số bên Lào cách thức báo động khi trông thấy trực thăng, phi cơ, biệt kích... Họ sẽ đánh trống, đánh cồng, đánh khiên truyền đi từ làng này qua làng khác, rồi đến tai đơn vị “săn” biệt kích. Bắc Việt tổ chức, huấn luyện thêm những toán tuần tiễu trong những khu vực (trống trải), trực thăng có thể dùng để thả toán biệt kích xâm nhập. Có đơn vị Bắc Việt xử dụng máy móc điện tử, có thể dò tìm ra toán biệt kích SOG trong đường bán kính 200 thước. Và họ tìm đủ mọi cách cho điệp viên, nội tuyến xâm nhập vào các bộ chỉ huy, căn cứ của đơn vị SOG, làm tài xế, nấu ăn...
        Hành quân Prairie Fire, hậu thân của hành quân Shining Brass đã mất yếu tố bất ngờ, địch quân đã đề phòng nên thời gian hoạt động trên đất Lào của các toán biệt kích rút ngắn lại. Trong thời gian lúc ban đầu, các toán biệt kích có thể hoạt động trong lòng địch sáu ngày, đến năm 1969 chỉ xâm nhập được hai ngày... nhiều chuyến chỉ có mấy tiếng đồng hồ, đã bị địch phát giác, tấn công phải triệt xuất khẩn cấp.
        Thời gian hoạt động ngắn đi, con số tổn thất gia tăng. Con số tổn thất nhân mạng, các toán biệt kích SOG năm 1967 là 39%, năm 1968 là 44%, 50% trong năm 1969. Đến ngày 30 tháng Tư năm 1972, trong chương trình “Việt Nam Hóa”, đơn vị SOG bàn giao tất cả các hoạt động cho Nha Kỹ Thuật VNCH.

Theo tài liệu trên Internet.
Dallas, TX. 
vđh

No comments:

Post a Comment