TRẬN ĐỨC LẬP
25/8/1968
Trại LLĐB Đức Lập, A-239 là một tiền đồn biên phòng, cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng sáu mươi cây số về hướng tây nam và cách biên giới Việt-Miên chưa đến năm cây số. Trại LLĐB này có vị trí chiến thuật rất quan trọng, nằm bên cạnh đường xâm nhập Trong căn cứ lúc đó có 3 quân nhân thuộc đơn vị (ban) 403 Hành Quân Đặc Biệt (SOD), 12 quân Mũ Xanh toán A LLĐB/HK, toán A LLĐB/VN, 350 Dân Sự Chiến Đấu người Thượng cùng với gia đình của họ.
Vào lúc khuya đêm cuối cùng của tháng Tám, quân đội Bắc Việt tấn công trại LLĐB Đức Lập. Địch quân mở đầu trận đách bằng cách pháo kích súng cối, hỏa tiễn vào căn cứ. Ba quân nhân trong toán 403 SOD vội vàng ra vị trí phòng thủ.
Trung Sĩ Nhất Hall, Trung Sĩ Alward chạy ra vị trí khẩu súng cối 81 ly bắn phản pháo. Họ tiếp tục bắn cho đến khi khẩu súng trở nên quá nóng, rồi tưới nước lạnh vào khẩu súng cối cho nguội bớt rồi bắn tiếp. Và cứ tiếp tục như vậy suốt đêm vì địch quân vẫn tấn công. Trong khi đó, Binh Nhất Childs đã bị thương vì pháo kích đang đưa vợ con binh sĩ người Thượng chạy vào những căn hầm trú ẩn, một mặt ra lệnh cho binh sĩ Thượng ra ngoài phòng tuyến chiến đấu.
Qua sáng hôm sau, khi nắng đã lên, các phi tuần phản lực Hoa Kỳ được điều động lên đánh phá những vị trí của địch. Mặc dầu thời tiết xấu, nhiều mây, các phi công Hoa Kỳ vẫn cố gắng bay thấp thả bom để yểm trợ cho quân trú phòng. Trong một lần bay xuống oanh kích, một phản lực F-100 Super Sabre trúng đạn phòng không rớt. Viên phi công nhẩy dù ra nhưng cánh dù bay về hướng địch quân.
Trung Sĩ Nhất Hall, Trung Sĩ Alward, Binh Nhất Childs cùng với mấy Mũ Xanh Hoa Kỳ vội vàng đi tiếp cứu người phi công lâm nạn, và họ đã nhanh chân hơn quân Bắc Việt đem được viên phi công vào bên trong căn cứ.
Trong vòng ba ngày hai đêm, trại LLĐB Đức Lập bị pháo kích, tấn công nhiều đợt. Căn cứ được thiết lập trên hai ngọn đồi. Sau nhiều đợt tấn công, quân Bắc Việt chiếm được ngọn đồi nơi hướng bắc và khu vực yên ngựa giữa hai ngọn đồi. Đã có lúc địch quân đẩy mạnh mũi tấn công, xung phong lên ngọn đồi thứ hai, chỉ còn cách hầm trung tâm hành quân chừng 50 thước nhưng bị đẩy lui.
Trong một đợt tấn công khác, mấy binh sĩ Thượng lui về phiá sau phòng tuyến, nhưng Childs bắt họ phải quay trở lại. Sau đó người lính Mũ Xanh Hoa Kỳ cùng với một y tá LLĐB Việt Nam chỉ huy chừng mười binh sĩ khác, phản công xuống khu vực yên ngựa, để lên ngọn đồi hướng bắc. Hai quân nhân LLĐB Mỹ Việt dùng lựu đạn đánh chiếm từng công sự phòng thủ đã bị quân chiếm giữ. Các binh sĩ người Thượng quá sợ hãi không đi theo.
Khi xuống đến khu thấp nhất của yên ngựa, người y tá LLĐB/VN trúng đạn gục xuống. Childs mang đeo nhiều lựu đạn, thêm súng đạn lỉnh kỉnh không vác nổi người lính LLĐB/VN, anh ta quay trở lên trên đồi, bỏ túi lựu đạn, khẩu M-16 lại chỉ cầm khẩu Colt-45 xuống cứu bạn nhưng bị địch bắn dội trở lại. Sau đó có thêm hai quân nhân LLĐB/VN đi theo Childs xuống cứu anh y tá, cõng trở lên trên đồi.
Trận đánh kéo dài qua ngày thứ ba, một đơn vị Xung Kích (Mike Force) Dân Sự Chiến Đấu người Thượng từ Nha Trang đến tiếp viện, phá được vòng vây vào đến căn cứ. Lực lượng trú phòng cùng với quân tăng viện phản công lấy lại đồi bắc. Trận tấn công trại LLĐB Đức Lập bị đẩy lui.
Sau ba ngày giao tranh, 9 quân nhân LLĐB Việt Mỹ bị thương, 150 binh sĩ, thường dân Thượng chết hoặc tử trận. Quân Bắc Việt để lại trên chiến trường hàng trăm xác chết.
Ngoài huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc, Trung Sĩ Nhất Hall, Binh Nhất Childs được gắn thêm Chiến Thương Bội Tinh. Ba quân nhân Mũ Xanh khác được huy chương Đồng. Trước khi trận đánh xẩy ra, Binh Nhất Childs chỉ còn 5 ngày phục vụ tại Việt Nam.
KẾT QUẢ TRẬN TẤN CÔNG TRẠI LLĐB ĐỨC LẬP
Đơn vị tham chiến: Quân đội Hoa Kỳ
Tỉnh Quảng Đức, Quân Đoàn II, Nam Việt Nam
Nơi xẩy ra trận đánh: Đức Lập
Trận đánh kéo dài ba ngày. Quân đội Bắc Việt cố gắng mở một đợt tấn công khác trước khi trời xập tối. Địch quân lợi dụng thời gian không có phi cơ yểm trợ cho trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Lập. Khi trời tối sẽ có phi cơ võ trang Spectre lên bao vùng yểm trợ, ban ngày, khi còn ánh nắng mặt trời có những phi tuần phản lực thả bom.
Quân Bắc Việt tấn công từ hướng bắc xuống và đã chiếm được bốn công sự chiến đấu trên ngọn đồi chính. Địch đưa thêm một đại đội xâm nhập vào hướng tây nam, bị quân trú phòng phát giác khi đại đội này đã tiến vào sát lớp hàng rào phòng thủ, trong tầm ném lựu đạn.
Các phi vụ oanh kích đã được gọi đến thả bom trên những vị trí đã bị địch chiếm. Một quả bom Napalm rơi lầm, gần vị trí một đại đội Dân Sự Chiến Đấu, làm cho binh sĩ đại đội này phải chạy ngược lên trên đồi. Các cố vấn LLĐB Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi đã chiến đấu tận lực để làm chủ tình hình vào lúc 9:30 sáng. Trận đánh gây tổn thất cho cả đôi bên. Tình trạng phiá đồng minh không được sáng sủa.
Lúc mười giờ, binh sĩ LLĐB/HK Childs cùng với Trung Sĩ y tá LLĐB/VN Lê Văn Lai, đã tự động chiến đấu, thanh toán những ổ kháng cự của địch. Phi cơ vận tải Caribou đã thả những kiện hàng tiếp tế thêm đạn dược cho trại LLĐB Đức Lập. Hai đại đội Xung Kích thuộc tiểu đoàn 5 Xung Kích (Mike Force) ở Nha Trang đã được không vận xuống nơi hướng tây căn cứ, đến tăng cường cho trận điạ. Hai đại đội này di chuyển xuyên qua cánh đồng trống, xác binh sĩ Bắc Việt và qua phòng tuyến đã bị địch phá hủy để vào tiếp tay với binh sĩ trú phòng. Ít phút sau, tiểu đoàn 2 Xung Kích cũng vào đến bên trong trại LLĐB.
Tất cả các lực lượng Dân Sự Chiến Đấu phác họa kế hoạch phản công. Bắt đầu lúc 14:30 chiều, một đại đội Dân Sự Chiến Đấu người Nùng tấn công các công sự chiến đấu đã bị địch chiếm giữ. Các đại đội DSCĐ còn lại, người Thượng được phân công đắnh lên ngọn đồi do quân đội Bắc Việt chiếm đóng. Sau hai giờ đồng hồ phản công quyết liệt, với lòng can đảm, các binh sĩ Thượng đã lấy lại phần lớn ngọn đồi. Một trong những cấp chỉ huy người Thượng là Y Gaul Nie đã anh dũng chiến đấu cho đến khi tử trận vì lựu đạn. Lực lượng Dân Sự Chiến Đấu càn quét xung quanh và hoàn toàn làm chủ ngọn đồi. Đến tối tất cả binh sĩ quân đội Bắc Việt đều bị giết hoặc đã phải rút ra ngoài căn cứ sau năm tiếng đồng hồ đánh cận chiến.
Trận Đức Lập là một chiến thắng của Lực Lượng Đặc Biệt. Hoàn toàn do các đơn vị Xung Kích Dân Sự Chiến Đấu đảm trách, ngoài ra không có thêm một đơn vị nào của đồng minh. Tổng kết trận đánh: 6 LLĐB/HK, 1 LLĐB/VN, 37 DSCĐ, 20 thường dân người Thượng chết hoặc tử trận. Mất tích 9 DSCĐ, bị thương 13 LLĐB/HK, 7 LLĐB/VN, 80 DSCĐ. Quân Bắt Việt để lại 303 xác chết trên chiến trường.
Theo tài liệu: The Green Berets at War. Trang 205.
http://boards.historychannel.com/thread.jspa?threadID=600026425&tstart=45&mod=1139413479569 Seige and relief of Duc Lap August 1968;
ĐẠI ĐỘI XUNG KÍCH TIẾP ỨNG MIKE FORCE
Câu chuyện bắt đầu khi tôi vừa được xuất viện, nằm mãi trên giường bệnh cũng chán. Leo lên xe Jeep, người tài xế của đơn vị lái xe theo con đường đất đỏ đưa tôi trở về căn trại của liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, nằm cuối dẫy nhà của bệnh viện.
Khi tôi cùng người tài xế bước vào doanh trại, bên trong nhiều quân nhân khác đang đem đồ đạc đi ra, vừa nói chuyện ồn ào. Chúng tôi đến văn phòng của toán, đang đứng ngay trước cửa là trung úy Wright, đại đội trường của tôi, người đứng bên cạnh là một vị mang cấp bậc thiếu ta. Trung úy Wright nói tôi trở ra xe Jeep, thay bộ quân phục “Cọp Vằn” (đồ bệt của LLĐB, hơi khác quân phục của TQLC/VN) vào, trên xe đã có đủ “đồ nghề” đê đi hành quân.
Trung úy Wright chào viên thiếu tá rồi ra xe. Ông ta bỏ ba lô, dây đạn ra đằng sau xe, rồi đưa cho tôi khẩu CAR-15 (Khẩu CAR 15, giống như khẩu súng quân đội Hoa Kỳ đang xử dụng. Trên chiến trường VN, chỉ có LLĐB/HK, biệt kích Lôi Hổ mới được trang bị). Trung úy Wright ra lệnh cho tôi liên lạc với người hạ sĩ quan của tôi khi đến Ban Mê Thuột và đại đội Xung Kích (Mike Force) chúng tôi sẽ đi tiếp viện cho một toán A LLĐB/HK trong căn cứ Đức Lập, trại LLĐB này đang bị quân đội Bắc Việt tấn công.
Người tài xế nhanh nhẹn vòng xe trở lại, chạy thẳng ra phi trường, cũng ở bên cạnh bệnh viện. Bên trong là mấy chiếc vận tải cơ C-130, chiếc đầu đã chuẩn bị cất cánh. Chúng tôi chui vào một chiếc C-130 đậu cuối hàng máy bay. Bên trong hơi tối, chỉ có hàng đèn mờ trong thân máy bay, đã chứa đầy quân đại đội Xung Kích cùng với súng ống, dụng cụ. Tôi chưa biết tìm đâu ra người hạ sĩ quan làm việc với tôi.
Nơi cuối máy bay, tôi thay bộ quần áo biệt kích vào, đeo thêm dây đạn, cầm khảu CAR-15 cho giống các quân nhân Dân Sự Chiến Đấu người Thượng. Tôi ngồi trên những thùng đạn mà đại đội Xung Kích sẽ cần đến trong trận đánh sắp tới.
Chiếc máy bay vận tải C-130 cất cánh, lấy hướng đi Ban Mê Thuột, và trong vòng 45 phút sau, phi cơ hạ cánh. Các binh sĩ trong đại đội lần lượt kéo nhau ra khỏi máy bay, di chuyển đến phiá bên trái phi đạo chấn chỉnh lại đội ngũ.
Lúc đó tôi mới đảo mắt tìm các bạn cùng đơn vị. Chúng tôi thuộc đại đội 5, một phần trong B-55 Lực Lượng Xung Kích (Mobile Strike Force, Mike Force). Nhiệm vụ của chúng tôi cũng tương tự như lính cứu hỏa. Những tiền đồn biên phòng do các toán A LLĐB bị quân đội Bắc Việt tấn công hoặc bao vây chúng tôi đến tiếp cứu.
Sau khi trại LLĐB Lang Vei bị chiến xa cùng bộ binh Bắc Việt tấn công, tràn ngập vào đầu năm 1968, Đại Tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh “Không để mất một trại LLĐB nào khác như trận tấn công Lang Vei trước đây”. Do đó mới thành lập thêm một đơn vị xung kích, tiếp ứng cho mỗi vùng chiến thuật để bảo vệ các trại biên phòng.
Tôi đến chỗ vừa được thiết lập tạm thời như một trung tâm hành quân. tại đây đã có mặt trung sĩ nhất Nunez, anh ta đưa tôi đến gặp mấy người trung sĩ quan khác, Estrada, Gonzales và Maketa. Họ đang bàn tán về nhửng gì đã được nghe về trận Đức lập.
Theo tin tức được biết, địch quân (có lẽ đơn vị đặc công) đã bò gần vào phòng tuyến lúc đêm tối và bắt đầu tấn công lúc sáng sớm. Quân đội Bắc Việt đã chiếm được ngọn đồi nơi hướng bắc, giết nhiều binh sĩ cũng như thường dân người Thượng. Những người sống sót chạy thoát về ngọn đồi nơi hướng nam, tuyến phòng thủ chính của trại. Quân đội Bắc Việt đang bao vây và sẽ tấn công dứt điểm phần còn lại của trại LLĐB. Quân phòng thủ đang chiến đấu trong tuyệt vọng, cần được tiếp viện ngay tức khắc.
Không may, tối hôm đó vì thời tiết, trực thăng không thể đưa đại đội xung kích vào trận điạ, chúng tôi phải chờ đến sáng hôm sau. Tôi cảm thấy có điều gì ràng buộc với những quân nhân đang tử thủ trong căn cứ, họ sẽ phải chiến đấu bằng sức mình qua một đêm nữa. Tôi hy vọng, chúng tôi sẽ đến tiếp cứu họ kịp thời.
Chúng tôi được đại tá Schengel cho biết sơ tình hình nguy ngập của trại LLĐB Đức Lập và ra lệnh cho chúng tôi sẵn sàng để lên trực thăng sáng sớm hôm sau. Chúng tôi trở về nơi đóng quân tạm thời, dựng lều ngủ qua đêm, sắp đặt việc canh phòng và sửa soạn. Trong ban chỉ huy, chúng tôi bàn sơ qua, sẽ phải làm gì khi đến Đức Lập, rồi đi ngủ sớm.
Tôi không ngủ được vì nôn nóng, nên ra ngoài đi tuần, nói chuyện với mấy Dân Sự Chiến Đấu người Thượng để hiểu rõ họ hơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với họ. Tôi thuyên chuyển đến đơn vị mới được ba tuần, rồi được gửi đi thụ huấn khóa viễn thám (của LLĐB/HK, Recondo school). Tiếp theo là năm ngày nằm bệnh viện vì ăn trúng độc. Đến hôm nay mới xuất viện và... đang trên đường ra chiến trường. Tôi hồi hộp vì lần đầu tiên ra đơn vị, biết mặt binh sĩ của mình.
Thêm một điều nữa, tôi là một thiếu úy mới ra trường. Vị đại đội trưởng là trung úy Wright bị thương nơi bàn tay, nên đơn vị phải cho người vào bệnh viện lôi tôi về gấp cho chuyến hành quân này... và tôi đang nắm trong tay một đại đội xung kích dân sự chiến đấu.
Theo kế hoạch, đại đội của chúng tôi sẽ được trực thăng đưa vào Đức Lập trong đợt đổ quân thứ hai. Một đại đội khác sẽ phải vào trận điạ trước. Khoảng cách từ Ban Mê Thuột đến Đức Lập không xa, đợt đổ quân đầu hoàn tất trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Các trực thăng đã quay trở về để đưa đại đội tôi vào vùng hành quân.
Chúng tôi lên trực thăng rồi đoàn trực thăng cất cánh bay về hướng tây. Trại LLĐB Đức Lập nằm ngay trên giao điểm các nhánh rẽ của hệ thống đường mòn HCM. Trại ngăn ngừa địch chuyển quân vũ khí từ bắc vào miền nam Việt Nam, nên địch quân phải “tống cổ” quân đồng minh ra khỏi khu vực để họ dễ dàng thực hiện kế hoạch của họ.
Quân số trong trại gồm toán A LLĐB/VN, người Thượng thuộc sắc dân Rhade, Jarai, thêm người Nùng, Chàm và một toán A LLĐB/HK. Trên lý thuyết, chúng tôi giữ vai trò cố vấn cho toán A LLĐB/VN, nhưng thực tế chúng tôi chỉ huy vì người Thượng muốn giết tất cả người Việt (bắc lẫn nam).
Đoàn trực thăng bay trên cao độ 5000 bộ (feet). Gió thổi vào trực thăng đem theo hơi lạnh. Từ xa chúng tôi trông thấy mấy chiếc phản lực đang đánh bom, yểm trợ cho căn cứ. Đoàn trực thăng giảm cao độ, chúng tôi trông thấy khói bốc lên và những tiếng nổ lớn của bom.
Khi trực thăng còn cách mặt đất khoảng hai, ba bộ, chúng tôi nhẩy ra khỏi, và đoàn trực thăng cất cánh nhanh chóng. Đại đội của tôi gọm lại và bắt đầu di chuyển về hướng trại LLĐB với đội hình một hàng dọc. Đi được khoảng một cây số, toán quân dẫn đầu đại đội bắt đầu chạm địch. Trông thấy đoàn quân tiếp viện tới, địch quân bắn lấy lệ rồi bỏ chạy, tuy nhiên vẫn làm chậm bước đơn vị.
Từ trên trực thăng chỉ huy, cấp chỉ huy nhận thấy điều đó, ra lệnh cho chúng tôi tiến nhanh hơn vì địch quân sắp sửa tung một đợt tấn công mới lên ngọn đồi chính nơi hướng nam. Tiếp theo có mấy khu trục cơ A-1 Skyraiders từ thời đệ nhị thế chiến nhào xuống thả bom, chỉ cách toán quân đi đầu của đại đội không đến 1500 thước.
Khoảng mười lăm phút sau, toán tiền phương báo cáo cho biết đã đến sát hàng rào phòng tuyến tây nam của căn cứ Đức Lập và chuẩn bị tiến vào bắt tay với đơn vị trú phòng. Vài phút sau, cả đại đội leo lên đồi, xung quanh lớp hàng rào phòng thủ, vương vãi những các chết, nhiều xác đã trương sình lên dưới ánh nắng mặt rời. Mùi hôi thối xông lên nặng nề, kinh khủng, cũng may tôi chỉ uống một ca cà phê buổi sáng.
Vào đến căn hầm chính, trung tâm hành quân của căn cứ, tôi được cho biết, quân Bắc Việt đã rút lui về ngọn đồi bắc, sau khi thấy quân tăng viện đến. Có thể địch vẫn còn ít quân cố thủ trong những hầm hố giao thông hào nơi hướng đông và tây căn cứ mà chúng đã chiếm được. Phe ta phải bứng gốc, tái chiếm lại những vị trí này. Sau đó phản công lấy lại ngọn đồi bắc trước khi trời tối. Nhiệm vụ này cũng gay go, nhưng vẫn phải xong để giữ vững trại LLĐB Đức Lập.
Tôi ra lệnh cho trung đội do trung sĩ Nunez chỉ huy càn quét địch ra khỏi khu vực phiá tây, một trung đội đánh vòng theo hướng đông của căn cứ, một trung đội khác thiết lập vị trí súng cối để yểm trợ cho hai trung đội phản công. Hai trung đội sẽ bắt tay nhau tại hướng mười hai giờ, sau đó cùng tấn công lên ngọn đồi bắc.
Khi tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi trung tâm hành quân khoảng hai mươi thước, một đại úy tự xưng là Joseph Trimble, cấp chỉ huy mới. Ông ta ra lệnh cho tôi, đích thân chỉ huy trung đội đánh chiếm lại khu vực hướng tây. Một thiếu úy mới ra trường lúc đó chỉ biết tuân lệnh, rồi đi theo trung đội của trung sĩ Ninez.
Khi chúng tôi tiến lại gần, địch quân từ trong hầm hố bắn ra. Tôi lấy mấy binh sĩ người Thượng, cùng với tôi thanh toán những tên địch dưới giao thông hào trước, sau đó ra lệnh cho họ bắn yểm trợ để tôi tiến lại gần căn hầm ném lựu đạn vào. Khói và đất tung lên theo tiếng lựu đạn nổ, tôi nhẩy vào bên trong căn hầm vào bắn thêm loạt đạn CAR-15 giết tất cả những tên còn lại.
Sau khi thanh toán xong căn hầm thứ nhất, tôi vững tin mình có thể chỉ huy được. Chúng tôi đánh tiếp căn hầm thứ hai. Cũng như lần trước, địch từ trong hầm bắn ra làm chúng tôi phải nhẩy xuống giao thông hòa tránh đạn. Sau đó mấy binh sĩ Thượng bắn phủ đầu để tôi tiến sát căn hầm tung lựu đạn vào thanh toán.
Lần lần chúng tôi tiến dần ra đến cổng chính. Nhìn về bên phải, hướng đông thấy phe ta. Chúng tôi sắp bắt tay nhau để cùng tấn công lên ngọn đồi bắc. Tôi cùng với mấy binh sĩ nhẩy xuống một hố bom, bắn lên đồi bắc, nhưng hình như khẩu CAR-15 của tôi bị kẹt đạn mà không thể điều khiển được. Một người lính Thượng chỉ tay vào bụng tôi. Nhìn xuống, cái áo đã bay mất một miếng vải, túi vải đựng mấy băng đạn bay mất nắp, trông thấy mấy băng đạn lòi ra. Tôi cảm thấy có dung dịch nhớp nhúa (máu) phần bên phải thân thể, rồi hoa mắt gục xuống.
Đúng lúc đó trung sĩ Nunez nhẩy xuống hố bom, ra lệnh cho một binh sĩ Thượng dìu tôi quay trở về trạm cứu thương. Tôi không còn biết gì nữa, ngất đi. Trong khi đó, trung sĩ Nunez cùng với các binh sĩ khác phản công lên đồi bắc.
Tôi tỉnh dậy vào sáng hôm sau mới biết, trên cánh tay lòng thòng sợi dây chuyền nước biển, dưới bụng tôi quấn một lớp băng. Xung quanh hầm quân y trở nên bận rộn, mọi người chạy tới chạy lui, để chuẩn bị tản thương ra bãi đáp trực thăng. Tôi được thông báo, quân ta đã chiếm lại ngọn đồi bắc, và các binh sĩ đang dọn dẹp các tử thi của địch bỏ lại, cùng thâu nhặt vũ khí gom lại một đống. Có nhiều tiếng động cơ trực thăng lên xuống căn cứ.
Chúng tôi đã cứu trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Lập và tôi cảm thấy sung sướng, thêm một chút hãnh diện. Đây là trận đánh đầu tiên trong đời binh nghiệp và tôi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo chỉ huy đơn vị. Tôi hơi buồn khi được biết đại đội xung kích, tiếp ứng Mike Force có một trung sĩ hy sinh trong trận phản công đánh lên đồi bắc. Tôi là “người mới” trong đơn vị chưa biết anh ta là ai nhưng vẫn buồn.
Tôi bước ra ngoài căn hầm quân y, ngồi dựa vào bao cát ngắm nhìn trời đất, khung cảnh đổ vỡ, hoang tàn của chiến tranh vẫn còn đó. Một trực thăng loại lớn Chinook CH-47 nhẹ nhàng đáp xuống yên ngựa giữa hai ngọn đồi để di tản thương binh. Một binh sĩ Thượng đến bên cạnh, dìu tôi đi xuống chỗ yên ngựa rồi chui vào trong bụng chiếc trực thăng.
John Wilson
Đại đội 5, B-55 Lực Lượng Xung Kích (Mobile Strike Force), Nha Trang, Việt Nam
Dallas, TX.
vđh
Not playing MOBILE STRIKE? Download Mobile Strike Right Now (Works on iOS and Android)
ReplyDelete